Nam lẫn nữ giới nên rửa sạch tay, loại bỏ hết lớp trang điểm, làm ướt da bằng nước ấm rồi mới massage với sữa rửa mặt phù hợp.
Theo tác giả Abby Vinas của tờ bioClarity, rửa mặt không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng, mà đòi hỏi sự chuyên nghiệp, nỗ lực hơn là tạt ít nước lên mặt rồi thoa sữa chuyên biệt theo thói quen.
Học viện Da liễu Mỹ từng nói cách bạn rửa mặt sẽ tạo sự khác biệt. Dù siêng làm sạch hai lần một ngày, nếu thực hiện sai bước vẫn có thể gây các triệu chứng phổ biến như khô, nhờn, kích ứng, thậm chí nổi mụn.
Chuyên trang bioClarity gợi ý các bước rửa mặt đúng cách:
Các bước rửa mặt đúng cách
Có 5 bước giúp khuôn mặt luôn sạch sẽ:
Bước 1: Rửa tay
Dùng tay rửa mặt là cách an toàn, phổ biến nhất. Khăn lau và tẩy tế bào chết có thể quá mài mòn da, có khả năng gây hại cho tế bào khỏe mạnh, dẫn đến kích ứng. Do đó, cần rửa tay trước khi làm sạch mặt.
“Nếu rửa mặt bằng tay không sạch, bạn có thể đẩy bụi bẩn đó lên mặt”, chuyên gia nhấn mạnh.
Bước 2: Loại bỏ lớp trang điểm
Ngay cả khi sữa rửa mặt chứa thành phần có tác dụng tẩy trang, chị em cũng nên cố gắng loại bỏ lớp make-up bằng mỹ phẩm tẩy trang chuyên dụng, trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Chuyên gia lý giải bước trên giúp hàng mi nhẹ nhàng hơn, hỗ trợ đắc lực sữa rửa mặt đẩy lùi dầu, bụi bẩn và vi khuẩn còn sót lại trên da. Nếu không tẩy trang trước, sữa rửa mặt có thể chỉ làm sạch bề mặt da, thay vì đi sâu vào lỗ chân lông.
Bước 3: Làm ướt da bằng nước ấm
Nước nóng có thể mang lại cảm giác dễ chịu, nhưng không có lợi vì gây mất nước, hút độ ẩm khỏi da và lấy đi lớp dầu tự nhiên. Mọi người cần dùng nước ở nhiệt độ thấp hơn, ấm nhẹ – đủ để làm lỏng bụi bẩn trong lỗ chân lông mà không khiến chúng bong ra.
Bước 4: massage sữa rửa mặt lên da
Khi rửa, đừng chà mạnh trong 20 giây vì gây hại cho bề mặt da và sữa rửa mặt cũng không đủ thời gian phát huy tác dụng. Thay vào đó, nên xoa bóp với mỹ phẩm bằng chuyển động tròn, nhẹ nhàng tối thiểu 60 giây. Cách này sẽ kích thích hệ thống bạch huyết, lưu thông oxy và máu tốt hơn.
“Hãy chắc chắn di chuyển theo chuyển động hướng lên. Thói quen kéo da mặt xuống có thể dẫn đến chảy xệ”, tờ bioClarity lưu ý.
Chị em có thể tham khảo sữa rửa mặt thuần chay tích hợp trà xanh, hoa cúc, dưa chuột, hỗ trợ làm dịu, mát da, giải độc và loại bỏ mọi tạp chất mà không làm khô da.
Bước 5: Lau khô
Da mặt vốn mỏng manh, phái nữ cần thận trọng với mọi thứ tiếp xúc với nó. Sau khi rửa sạch, hãy nhẹ nhàng lau khô bằng khăn mềm và mới. Lý do khăn cũ lau tóc hay cơ thể có thể sót lại cặn bã làm tắc lỗ chân lông từ vòi hoa sen, dễ lây lan vi trùng, vi khuẩn lên mặt.
Những sai lầm khi rửa mặt
Dưới đây là bốn quan điểm, thói quen sai lầm phổ biến cần loại bỏ:
Không làm sạch da mặt một ngày hai lần
Một số người cho rằng không cần thiết rửa mặt buổi sáng, bởi da vẫn sạch sau khi rửa vào đêm trước. Tuy nhiên, làn da cố gắng tự tái tạo qua đêm, nghĩa là nó sẽ loại bỏ tế bào da chết, sản xuất bã nhờn và tiết ra chất độc khi bạn ngủ. Vỏ gối cũng có thể bị dính dầu và vi khuẩn tích tụ từ những đêm trước.
Theo tác giả Abby Vinas: “Hãy chắc chắn rửa mặt buổi sáng để tận dụng tối đa công dụng của mỹ phẩm sẽ dùng ban ngày, nếu bạn có làn da dễ bị mụn trứng cá”.
Tuy nhiên, không phải mọi loại da đều hưởng lợi khi làm sạch hai lần một ngày. Với da khô hoặc nhạy cảm, rửa nhiều hơn một lần mỗi ngày có thể gây kích ứng hay khô hơn.
Dùng hóa chất khắc nghiệt
Dù bạn thuộc loại da nào, tốt nhất nên tránh hóa chất mạnh. Các thành phần như sunfat, cồn có thể khiến da mất nước, dẫn đến tình trạng sần sùi, bong tróc. Bên cạnh đó, khi tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, da sẽ tiết nhiều dầu hay nổi mụn.
Bỏ qua phần cổ và tay
Bàn tay, cổ khá nhạy cảm, là vị trí đầu tiên bị lão hóa, chủ yếu do chúng thường bị chị em bỏ quên khi rửa mặt. Để giữ nhan sắc thanh xuân, phái nữ bổ sung thói sung rửa sạch tay lẫn cổ trong quy trình chăm sóc da hàng ngày.
Quên dưỡng ẩm sau rửa mặt
Nước nóng cùng hóa chất mạnh gây mất nước, do đó, giữ ẩm cho các tế bào da bằng kem dưỡng là bước cần thiết, giúp duy trì sự mềm mại, dẻo dai suốt cả ngày, đồng thời tăng nét tươi sáng, trẻ trung và ngăn ngừa lão hóa sớm.
Tần suất rửa mặt cho từng loại da
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tần suất rửa mặt gồm: loại da, độ nhạy cảm, lịch trình làm việc và tập thể dục…
Dù hiểu rõ tính chất da bản thân và được hướng dẫn tần suất rửa mặt, chị em vẫn cần chú ý thời điểm rửa gây các triệu chứng như: đỏ hoặc kích ứng; ngứa, bong tróc; các vùng da khô, nứt nẻ; sản xuất dầu bất thường…
Không có hai loại da giống nhau và lượng bã nhờn (dầu tiết ra từ tuyến bã nhờn trong lỗ chân lông) sẽ đóng vai trò quan trọng trong chế độ chăm sóc da.
Nếu tập thể dục thường xuyên, bạn cần làm sạch mặt ngay sau đó để ngăn mồ hôi làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
Da dầu
Nên rửa mặt hai lần mỗi ngày nếu da quá nhờn. Dầu dễ bị mắc kẹt trong lỗ chân lông dẫn đến mụn, vì vậy hãy đảm bảo làm sạch da thường xuyên để ngăn ngừa mụn.
Da khô
Số lần rửa mặt trong ngày ít hơn so với người da dầu. Tránh làm sạch quá mức vì có thể loại bỏ lớp bã nhờn cần thiết, thưa thớt của da.
“Theo dõi phản ứng của da khi rửa hai lần một ngày và cân nhắc chỉ rửa một lần nếu da bị kích ứng, quá khô hoặc ngứa. Ngoài ra, bạn nên kết hợp loại kem dưỡng ẩm nặng hơn nếu da thật sự khô”, chuyên gia cho hay.
Da hỗn hợp
Với người sở hữu làn da hỗn hợp, trong đó một số vùng trên mặt nhờn và những nơi khác lại khô, tần suất rửa mặt sẽ khác nhau. Nói chung hai lần một ngày – sau thức dậy và trước khi ngủ. Tuy nhiên, quy luật này không phải lúc nào cũng đúng. Chuyên gia khuyên chị em chú ý nhu cầu của da, xem nó phản ứng thế nào với thói quen ấy.
Lưu ý nên làm sạch vùng da mục tiêu vốn sản xuất nhiều bã nhờn hoặc thường xuyên nổi mụn, với vùng da sạch ít tốn thời gian hơn.
Các nhà sản xuất thường dán nhãn mỹ phẩm dành cho da khô hoặc dầu, khiến da hỗn hợp khó tìm được sản phẩm phù hợp. Phái nữ có thể tiếp cận theo hai cách: dùng loại duy nhất có thành phần dịu nhẹ, chúng không gây kích ứng mảng da khô, nhưng cũng có thể không trị tốt vùng da dầu nếu cần thiết; thoa dưỡng nhiều loại cho các các vùng khác nhau (chất làm se cho vùng da dầu, kem dưỡng ẩm ở mảng khô).
ngoisao.vnexpress.net (theo Abby Vinas, bioClarity)